Gần 50% lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc

Gần 50% lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc Hoàng Minh

 Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt 3,88 triệu tấn, trị giá 2,77 tỷ USD. 

Gần 50% lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc

 
 Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt 3,88 triệu tấn, trị giá 2,77 tỷ USD. 
 
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập khẩu 8,05 triệu tấn sắt thép, trị giá trên 5,8 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng nhưng tăng 10,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2017. Riêng tháng 7/2018 nhập khẩu 1,18 triệu tấn, trị giá 879,37 triệu USD, giảm 2,6% về lượng và nhưng tăng nhẹ 0,1% về trị giá so với tháng 6/2018. So với cùng tháng năm 2017 tăng 7,4% về lượng và tăng 38,9% về trị giá.
 
Giá sắt thép nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 746,7 USD/tấn, tăng 2,7% so với tháng 6/2018. Tính trung bình cả 7 tháng đầu năm đạt 720,9 USD/tấn, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Sắt thép nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, đạt 3,88 triệu tấn, trị giá 2,77 tỷ USD, giảm 13,5% về lượng nhưng tăng 10% về trị giá so với cùng kỳ.
 
Thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 909,15 triệu USD chiếm 16% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước, giảm 1% về lượng nhưng tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ.
 
Tiếp đến thị trường Hàn Quốc đạt 1,05 triệu tấn, trị giá 852,14 triệu USD chiếm 13% trong tổng lượng và chiếm 14,7% trong tổng kim ngạch, tăng 6,9% về lượng và tăng 23,4% về trị giá.
 
Nhập khẩu từ Đài Loan tăng nhẹ 1% về lượng và tăng 22,1% về kim ngạch, đạt 0,89 triệu tấn, trị giá 586,38 triệu USD, chiếm 11% trong tổng lượng và trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.  
 
Trong số các thị trường nhập khẩu sắt thép 7 tháng đầu năm nay, thì có 2/3 số thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, còn lại 1/3 số thị trường bị sụt giảm kim ngạch. Nổi bật nhất là nhập khẩu từ thị trường Áo, mặc dù chỉ đạt 909 tấn, kim ngạch 6,18 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng rất mạnh 151,8% về lượng và tăng 474,6% về kim ngạch. Bên cạnh đó, nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch cũng tăng rất mạnh 723,9% về lượng và tăng 146,9% về kim ngạch, đạt 552 tấn, tương đương 0,42 triệu USD. Nhập từ Nga tăng 84,8% về lượng và tăng 12,4% về trị giá, đạt 251.122 tấn, tương đương 141,32 triệu USD; Thụy Điển tăng 111,7% về lượng và 64% về trị giá, đạt 4.223 tấn, tương đương 8,89 triệu USD.
 
Ngược lại, nhập khẩu sắt thép sụt giảm mạnh từ các thị trường sau: Ukraine giảm 95% về lượng và giảm 88,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 24 tấn, tương đương 0,03 triệu USD. Ba Lan giảm 83,6% về lượng và giảm 82,9% về trị giá, đạt 73 tấn, tương đương 0,13 triệu USD; Mexico giảm 69,5% về lượng và giảm 75,9% về trị giá, đạt 242 tấn, tương đương 0,19 triệu USD; Nam Phi giảm 61,8% về lượng và giảm 56,5% về trị giá, so với cùng kỳ năm ngoái.
 
- tổng hợp -
Cập nhật lần cuối: 22/08/2018 09:47:08 SA